Tiến sỹ Việt giới thiệu mô hình AI, đối tác Apple mở nhà máy ở Việt Nam

0
84

Tiến sỹ Việt giới thiệu mô hình AI giải toán Olympic quốc tế; Đối tác Apple mở nhà máy ở Việt Nam;… là những thông tin công nghệ đáng chú ý tuần qua.
Đối tác Apple mở nhà máy ở Việt Nam
Ngày 15/1, trong hồ sơ nộp lên Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến, Goertek cho biết sẽ đầu tư tối đa 280 triệu USD để thành lập một công ty con tại Việt Nam.

Pháp nhân của Goertek tại Việt Nam sẽ sản xuất các sản phẩm điện tử tiêu dùng, từ AirPods và đồng hồ thông minh đến thiết bị thực tế ảo và thực tế tăng cường.
Hồ sơ nêu rõ dự án sẽ giúp tận dụng tốt hơn nguồn lực ở Việt Nam để cải thiện khả năng cạnh tranh nói chung của công ty.
Goertek là một trong những đối tác cung ứng lớn của Trung Quốc được Apple tiếp cận để sản xuất thiết bị thực tế hỗn hợp Vision Pro, dự kiến phát hành tháng 2 tại Mỹ.
Công ty con ở Việt Nam của Goertek thành lập thông qua pháp nhân Goertek Hong Kong, có thể đặt tại tỉnh Bắc Ninh, nơi thu hút nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc như Samsung Electronics. 
Tiến sỹ Việt giới thiệu mô hình AI giải toán Olympic quốc tế
Tuần trước, nghiên cứu sinh người Việt – Trịnh Hoàng Triều đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ về chủ đề AI giải toán tại Đại học New York. 
Nghiên cứu, cùng với sự đóng góp của hai nhà khoa học tại Google DeepMind, TS Lê Viết Quốc và Lương Thắng, đã được đăng trên tạp chí Nature.

Các thành viên AlphaGeometry, từ trái qua gồm Yuhuai Wu, Trịnh Hoàng Triều, Lê Viết Quốc và Lương Thắng. Ảnh: WashingtonPost

Với bộ đề gồm 30 bài toán hình học Olympic từ năm 2000 đến 2022, AlphaGeometry giải được 25 bài, so với thành tích trung bình của người đạt huy chương vàng là 25,9, vượt xa 10 bài của hệ thống toán học máy tính được phát triển vào những năm 1970.
Theo Michael Barany, nhà sử học về toán học tại Đại học Edinburgh, nghiên cứu về AlphaGeometry “là cột mốc quan trọng về khả năng suy luận tự động ở cấp độ con người”.
Người dùng Việt mất 17,3 nghìn tỷ đồng vì virus máy tính
Kết quả từ chương trình đánh giá an ninh mạng dành cho người sử dụng cá nhân do Bkav thực hiện tháng 12/2023 chỉ ra rằng, thiệt hại do virus máy tính gây ra cho người dùng Việt Nam ở mức 17,3 nghìn tỷ đồng (tương đương 716 triệu USD). 
Đây là năm thứ 2 liên tiếp, con số thiệt hại do virus máy tính gây ra cho người dùng Việt Nam giảm.

Tổng kết tình hình virus tại Việt Nam năm 2023, theo khảo sát của Bkav.

Hệ thống giám sát và cảnh báo virus của Bkav ghi nhận trong năm 2023 có tới 745.000 máy tính bị nhiễm virus đánh cắp tài khoản (Facebook, ngân hàng), tăng khoảng 40% so với năm 2022. 
Trong đó, phát tán mạnh nhất phải kể đến các dòng như RedLineStealer, ArkeiStealer, Fabookie… đều nằm trong top 20 dòng virus lây nhiễm mạnh ở Việt Nam.
Thống kê cũng cho thấy, năm 2023, Việt Nam có 19.000 máy chủ bị xâm phạm bởi virus mã hóa dữ liệu, tăng 35% so với năm ngoái.
Ngoài virus, các chuyên gia đánh giá tài khoản ngân hàng rác cũng là nguyên nhân của tình trạng vi phạm an ninh mạng. 
Cụ thể, sau khi thực hiện tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo, kẻ xấu thường yêu cầu nạn nhân chuyển tiền qua ngân hàng. Dù vậy, đây thường là tài khoản rác, không chính chủ, khiến cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc truy vết.
Đấu giá 3 khối băng tần cho 5G, giá khởi điểm thấp nhất 1.956 tỷ đồng
Ngày 17/1/2024, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã phê duyệt quyết định về phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2500-2600 MHz và băng tần 3700-3900 MHz cho 5G.
Theo đó, phương án tổ chức đấu giá bao gồm các nội dung chính về điều kiện sử dụng băng tần, thời hạn giấy phép, yêu cầu cam kết triển khai mạng viễn thông, giá khởi điểm, bước giá và tiền đặt trước.

Có 3 khối băng tần cho 5G được đưa ra đấu giá, mỗi khối có độ rộng 100 MHz. Mỗi doanh nghiệp chỉ được phép trúng tối đa 1 khối băng tần.

Có 3 khối băng tần được đưa ra đấu giá, mỗi khối có độ rộng 100 MHz. Mỗi doanh nghiệp chỉ được phép trúng tối đa 1 khối băng tần. Như vậy sẽ có 3 doanh nghiệp có thể có băng tần qua đấu giá để triển khai 5G.
Giá khởi điểm được xác định theo quy định của Nghị định 63/2023/NĐ-CP cho khối băng tần 2500-2600 MHz cho 15 năm sử dụng là: 3.983.257.500.000 đồng (Ba nghìn chín trăm tám mươi ba tỷ, hai trăm năm mươi bảy triệu, năm trăm nghìn đồng). Riêng doanh nghiệp đấu giá trúng băng tần 2500-2600 MHz có thể sử dụng để triển khai thêm 4G.
Giá khởi điểm của khối băng tần từ 3700 MHz đến 3800 MHz cho 15 năm sử dụng là 1.956.892.500.000 đồng (Một nghìn chín trăm năm mươi sáu tỷ, tám trăm chín mươi hai triệu, năm trăm nghìn đồng).
Giá khởi điểm của khối băng tần từ 3800 MHz đến 3900 MHz cho 15 năm sử dụng là 1.956.892.500.000 đồng (Một nghìn chín trăm năm mươi sáu tỷ, tám trăm chín mươi hai triệu, năm trăm nghìn đồng).
5 doanh nghiệp chữ ký số công cộng có chất lượng dịch vụ tốt nhất
Lễ công bố kết quả khảo sát, đánh giá chất lượng dịch vụ của các CA công cộng năm 2023 vừa được Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia phối hợp cùng Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam tổ chức ngày 19/1 tại Hà Nội, trong khuôn khổ hội nghị giao ban quý IV/2023 giữa NEAC và các CA công cộng.

Giám đốc NEAC Tô Thị Thu Hương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam Phùng Huy Tâm trao chứng nhận cho đại diện 5 doanh nghiệp có chất lượng dịch vụ tốt nhất năm 2023.

Theo kết quả khảo sát, đánh giá chất lượng dịch vụ các tổ chức chứng thực chữ ký số công cộng, 5 doanh nghiệp có chất lượng dịch vụ tốt nhất là VNPT-CA, VIETTEL-CA, CA2, FPT-CA  và MISA-CA.
Bên cạnh danh hiệu ‘Top 5 CA có chất lượng dịch vụ tốt nhất năm 2023’ thuộc về VNPT-CA, Viettel-CA, CA2, FPT-CA và MISA-CA, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia và Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam cũng công bố và trao 5 danh hiệu khác cho các CA công cộng.
Các danh hiệu ghi nhận nỗ lực của các CA công cộng tiêu biểu trong năm 2023 kể trên được chọn vinh danh căn cứ trên kết quả khảo sát, đánh giá theo bộ tiêu chí CA-Index 2023.