Chuyển đổi số giúp lãnh đạo ra quyết định nhanh hơn, chính xác hơn

0
71

Tỉnh Bình Định đã tập trung xây dựng hạ tầng số, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin tại các địa phương, đảm bảo kết nối an toàn hiệu quả. Địa phương này chú trọng xây dựng kho dữ liệu để tăng tốc chuyển đổi số.
Thời gian gần đây, du khách đến các tháp Chăm, Bảo tàng Quang Trung, Tiểu chủng viện Làng Sông ở tỉnh Bình Định dễ nhận thấy các mã QR-Code được bố trí ngay cổng ra vào. Du khách chỉ cần quét mã QR-Code có thể nắm được thông tin và xem các video hướng dẫn cụ thể về các điểm tham quan, trải nghiệm.
Hiện nay, Sở Du lịch tỉnh Bình Định phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh hoàn thành kho dữ liệu quảng bá với công nghệ mới ảnh 360, 3D tại Bảo tàng Quang Trung. Đây là một trong những loại hình quảng bá hình ảnh du lịch Bình Định đến du khách thông qua công nghệ thông tin.

Ông Huỳnh Cao Nhất, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định cho biết, ngành du lịch tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch.
“Để quảng bá tốt hơn hình ảnh du lịch Bình Định, cần tập trung tháo gỡ và đầu tư mạnh mẽ hơn về công nghệ thông tin và chuyển đối số đối với lĩnh vực du lịch trong thời gian đến. Trong đó có phát triển du lịch thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin, Sở du lịch tiếp tục xây dựng dữ liệu số ngành du lịch.” Ông Huỳnh Cao Nhất cho biết thêm.
Cục Thống kê tỉnh Bình Định là đơn vị sử dụng các số liệu để thống kê phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh này. Cục Thống kê tỉnh Bình Định đã ứng dụng tối đa công nghệ thông tin vào tất cả các công đoạn sản xuất, thống kê số liệu. Nhờ đó đã giảm được thời gian nhập số liệu và kiểm tra logic số liệu giúp công tác tổ hợp kết quả điều tra nhanh và chính xác hơn.

Các chuyên viên Cục Thống kê tỉnh Bình Định dùng ứng dụng thống kê số liệu.

Hiện nay, nhiều phần mềm, ứng dụng phục vụ công tác quản lý, điều hành được triển khai thực hiện trong toàn ngành Thống kê tỉnh Bình Định mang lại hiệu quả cao như: Phần mềm quản lý nhân sự; phần mềm giao kế hoạch công tác và chấm điểm thi đua đối với chi cục thống kê. Đặc biệt, Cục Thống kê tỉnh Bình Định đã ứng dụng tần suất nhanh báo cáo kinh tế-xã hội của Tổng cục Thống kê để các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã báo cáo hàng tháng, quý và năm. 
Bà Nguyễn Thị Mỹ, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bình Định cho biết: Từ tháng 4/2023, các đơn vị thống kê các cấp ở tỉnh Bình Định nhập số liệu trực tiếp vào phần mềm của ngành thay cho các làm báo cáo giấy như trước đây.
“Cục Thống kê tỉnh Bình Định đã thực hiện được việc thống nhất dữ liệu của  tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Tức là một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội cấp huyện, chúng tôi cũng đã tính toán, tổng hợp, phân bổ và báo cáo trực tiếp cho các đơn vị. Khi dữ liệu của chúng ta tốt thì sẽ phản ánh được chính xác tình hình kinh tế-xã hội giúp cho các cấp lãnh đạo chỉ đạo đúng hướng.”Bà Nguyễn Thị Mỹ nói.
Năm 2023 là “năm dữ liệu số quốc gia”, tỉnh Bình Định tập trung hình thành, duy trì và cập nhật các cơ sở dữ liệu trên địa bàn tỉnh. Nhiều cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin như cơ sở dữ liệu dân cư, giáo dục, y tế, tài nguyên môi trường, giải quyết thủ tục hành chính, phòng chống thiên tai, giao thông được hình thành, từng bước cung cấp cho lãnh đạo các cấp, các công cụ hỗ trợ để ra quyết định dựa vào dữ liệu.

 Trung tâm Giám sát và điều hành đô thị thông minh (IOC) tỉnh Bình Định.

Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Định cho biết, Sở đang trung xây dựng kho dữ liệu số cấp tỉnh dùng chung cho các cơ quan Nhà nước: “Chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng, duy trì, cập nhật các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan cấp tỉnh.  Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện việc kết nối với các cơ sở dữ liệu của quốc gia; kết nối với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành trung ương. Trên cơ sở đó từng bước hình thành kho dữ liệu số của tỉnh Bình Định. Đây là cơ sở giúp cho lãnh đạo các cấp ra quyết định nhanh hơn, chính xác hơn.”
Hiện nay, tỷ lệ phủ sóng thông tin 3G, 4G ở tỉnh Bình Định đã đạt 100% tại trung tâm các xã, thị trấn. Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 73% hộ gia đình. Mạng truyền số liệu cấp 2 chuyên dùng được triển khai toàn tỉnh, kết nối đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và kết nối đến 159/159 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Bình Định xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm với 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Kết quả triển khai công tác chuyển đổi số trong thời gian qua đã thể hiện rõ nét ở 4 khía cạnh: Hạ tầng số, công nghiệp công nghệ thông tin, nhân lực công nghệ thông tin và dữ liệu số.

Kết quả chuyển đổi số thể hiện rõ nét ở 4 khía cạnh: Hạ tầng số, công nghiệp công nghệ thông tin, nhân lực công nghệ thông tin và dữ liệu số.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị các sở, ngành sớm xây dựng kho dữ liệu số của tỉnh, thực hiện chuyển đổi số phải đồng bộ từ tỉnh đến địa phương: “Về nền tảng số, chúng ta làm tập trung tại tỉnh nhưng phải xây dựng số hóa và xây dựng dữ liệu. Đặc biệt các địa phương tập trung vào cập nhật dữ liệu để đảm bảo đúng, đủ, sạch, sống, theo đúng tần suất, thiết kế dữ liệu phải chuẩn. Trong việc xây dựng dữ liệu đòi hỏi cập nhật thông tin phải thường xuyên, đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tập trung sớm xây dựng kho dữ liệu của tỉnh, phân giao sử dụng để các đơn vị biết tận dụng dữ liệu để ra quyết định”.
Thanh Thắng/vov miền Trung