Trò chơi dân gian và Nhã nhạc Cung đình Huế “hội tụ” về Thủ đô

0
81

“Di sản hội tụ” là chủ đề chương trình nghệ thuật do Trung tâm Hoạt động Văn hóa giáo dục Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp thực hiện, diễn ra tối 18/11 tại Hà Nội, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11.
Trong ánh sáng lung linh, huyền ảo, du khách được trải nghiệm ánh sáng nghệ thuật ban đêm, từ cổng Văn Miếu đến Khuê Văn Các; từ cổng Đại Trung đến Bia Tiến sĩ. Điếm nhấn là phần trình chiếu 3D mapping tại mặt đứng Nhà Thái Học – một sản phẩm trải nghiệm đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám với nội dung chủ đạo là bộ phim “Tinh hoa đạo học”, mang hơi thở đương đại, được lấy cảm hứng từ những giá trị di sản văn hóa tại khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám gắn liền với đạo học của dân tộc xuyên suốt qua nhiều thế kỷ. 
Tại Sân trước khu điện Đại Thành, du khách được tham gia các trò chơi cung đình như: Trò xăm hường; Trò Bài vụ; Trò Đầu hồ; Trò thả thơ và viết tặng Thư pháp. Ông Trương Quý Mẫn, Phó Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế cho biết những trò chơi này là kết tinh của văn hóa dân tộc, hướng con người đến những giá trị nhân văn, đề cao sự học, cầu mong đỗ đạt. Bên cạnh đó, thông qua các trò chơi dân gian, lớp trẻ sẽ dần dần yêu thích, tìm hiểu và lan tỏa những giá trị vă hóa trong tương lai.

Tiết mục “Ấm sinh luyện chữ – Văn hiến ngàn năm”

Mở đầu chương trình nghệ thuật “Di sản hội tụ” do các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế biểu diễn là hoạt cảnh: “Ấm sinh luyện chữ”- Văn Hiến ngàn năm” nói về tinh thần hiếu học của dân tộc Việt Nam, trải qua biết bao dâu bể vẫn còn dư vọng mãi. Tiếp sau đó là phần giới thiệu Âm nhạc cung đình Việt Nam – Nhã nhạc triều Nguyễn – Di sản Phi vật thể đại diện của nhân loại với bản đại nhạc “Tam luân cửu chuyển” (một bài bản mở đầu cho các đại lễ dưới thời Nguyễn), Múa cung đình “Trình tường tập khánh” (điệu múa thường được trình diễn trong dịp lễ sinh nhật của nhà vua), Hợp tấu “Xây dựng kinh đô” (tác phẩm âm nhạc sáng tác mới trên chất liệu cung đình); Tiểu nhạc “Phú lục địch” (bài bản thuộc hệ thống Tiểu nhạc, thường được trình tấu trong các buổi yến tiệc của triều đình và tiếp đón sứ thần, với nội dung tao nhã, vui tươi, sang trọng)… 
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẳng định: “Đây là hoạt động có ý nghĩa, tạo không gian và cơ hội giao lưu, quảng bá văn hóa, phát huy giá trị di sản trong cộng đồng, đồng thời phát huy không gian di sản ban đêm, khẳng định mục tiêu khai thác không gian di sản về đêm thành sản phẩm du lịch đặc trưng của mỗi vùng, miền. Sự hội tụ, chung tay của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Trung tâm Hoạt động Văn hóa giáo dục Văn Miếu – Quốc Tử Giám tiếp tục khẳng định những nét tương đồng trong việc phát huy giá trị di sản hiện nay”.
Huế được biết đến là thành phố du lịch đặc trưng – thành phố festival của Việt Nam, cũng là nơi lưu giữ nhiều di sản cộng đồng đã được công nhận. Ông Hoàng Việt Trung cũng kì vọng, thông qua chương trình nghệ thuật này, những giá trị văn hóa truyền thống và các giá trị kế thừa về di sản diễn xướng của dân tộc sẽ thêm một lần nữa khẳng định tinh thần hội tụ và lan tỏa, tiếp biến mà trong nhiều kì festival Huế đã thực hiện. Đây cũng là cách mà văn hóa Huế tự giới thiệu, quảng bá đến cộng đồng, khẳng định định hướng xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng: văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường và thông minh.
Với nhiều ý nghĩa cộng hưởng đó, chương trình nghệ thuật “Di sản hội tụ” góp phần mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị, ấn tượng về văn hóa Huế, về hình ảnh festival Huế trong không gian di sản của Thăng Long ngàn năm văn hiến. Chị Hoàng Mỹ Linh (Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ niềm yêu thích khi được lắng nghe những bài bản của Nhã nhạc Cung đình: “Mặc dù đã đến Huế nhiều lần và được thưởng thức những âm thanh trang trọng, sâu lắng này nhưng khi nghe tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, tôi cảm thấy sự linh thiêng của không gian trong không khí nhạc xưa”.
Phương Thuý/VOV6