Hội nghị và triển lãm WCO 2023: Đón đầu kỷ nguyên số, ứng dụng công nghệ và thúc đẩy đổi mới hải quan

0
155

Sáng 10/10, Lễ khai mạc Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) phối hợp với Hải quan Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là sự kiện về công nghệ toàn cầu của WCO do Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng Thư ký WCO, lãnh đạo Tổng cục Hải quan và các đại biểu tại gian Triển lãm của Hải quan Việt Nam.

Chủ đề Hội nghị của năm 2023 là “Đón đầu kỷ nguyên số: Ứng dụng công nghệ, Thúc đẩy đổi mới và Nuôi dưỡng thế hệ hải quan kế cận chuyên nghiệp”. Đây là Hội nghị quốc tế thường niên lớn nhất của WCO, với chủ đề của năm 2023 là “Đón đầu kỷ nguyên số: Ứng dụng công nghệ, Thúc đẩy đổi mới và Nuôi dưỡng thế hệ hải quan kế cận chuyên nghiệp”.
Hội nghị có sự góp mặt của các diễn giả là lãnh đạo, chuyên gia của các tổ chức quốc tế, của hải quan các nước, các công ty đa quốc gia cung cấp giải pháp công nghệ về hải quan.
Diễn ra trong vòng 3 ngày từ ngày 10-12/10, chương trình hội nghị gồm nhiều phiên thảo luận, trong đó có 10 phiên toàn thể, 9 phiên chuyên đề và các cuộc nói chuyện công nghệ. Phần triển lãm sẽ có khoảng 50 gian triển lãm giới thiệu các công nghệ mới của các doanh nghiệp liên quan tới lĩnh vực hải quan và thương mại.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận và đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của WCO, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan Việt Nam và các cơ quan chức năng trong tổ chức Hội nghị này. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Hội nghị và Triển lãm Công nghệ năm 2023 của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) là sự kiện rất đặc biệt khi diễn ra vào Ngày kỷ niệm 69 năm giải phóng Thủ đô và cũng là Ngày Chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi số, thúc đẩy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tầng lớp nhân dân để bảo đảm thực hiện thành công các nhiệm vụ về chuyển đổi số. Chủ đề của Hội nghị thể hiện sự nắm bắt kịp thời xu thế chung của thế giới, phù hợp với những ưu tiên phát triển của ngành Hải quan Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, WCO đã phát huy vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hải quan. Phó Thủ tướng cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ và sự hỗ trợ quý báu của WCO và cơ quan hải quan các nước đối với ngành Hải quan Việt Nam, đặc biệt là trong 30 năm Hải quan Việt Nam là thành viên chính thức của WCO. Trong bối cảnh tình hình chính trị an ninh quốc tế diễn biến phức tạp, hậu quả đại dịch Covid-19 còn nặng nề, khủng hoảng kinh tế tài chính còn nhiều khó khăn, việc phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu thuế phải đối mặt nhiều thách thức. Ngành Hải quan Việt Nam đã có vai trò quan trọng hỗ trợ nền kinh tế phát triển lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch, giao lưu nhân dân giữa các nước; đảm bảo trật tự an toàn xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Do đó, Hải quan phải là 1 trong những ngành tiên phong trong ứng dụng khoa học công nghệ góp phần chuyển đổi số. Để thực hiện được điều này, cần có nguồn nhân lực đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá, trong những năm qua, ngành Hải quan Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, đạt nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, Hải quan Việt Nam cần cố gắng, phấn đấu để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ trong tình hình mới, từ hoàn thiện thể chế đến nâng cao hiệu quả chất lượng dịch vụ, kiện toàn tổ chứ bộ máy, hiện đại hoá cơ sở vật chất, phát triển nguồn nhân lực… Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tích cực, có trách nhiệm để đẩy mạnh hợp tác quốc tế về hải quan một cách toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, phát triển quan hệ đối tác hải quan song phương và đa phương, thực hiện nghiêm túc các hiệp định, thoả thuận, các chương trình hợp tác, cam kết với các đối tác quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh quá trình nội địa hoá các cam kết quốc tế; tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực góp phần thực hiện thành công hải quan số, hải quan thông minh, hải quan xanh ở Việt Nam, góp phần vào sự lớn mạnh của Hải quan thế giới.
Hội nghị được tổ chức gồm 2 Phần: Hội nghị và Triển lãm. Trong đó, phần hội nghị gồm 10 phiên toàn thể, 9 phiên chuyên đề, và các cuộc nói chuyện công nghệ. Phần triển lãm sẽ có khoảng 50 gian triển lãm giới thiệu các công nghệ mới của các doanh nghiệp liên quan tới lĩnh vực hải quan và thương mại.
Về nội dung Hội nghị, các phiên toàn thể sẽ thảo luận về các chủ đề: Ứng dụng công nghệ trong hoạt động hải quan, như: ứng dụng phân tích dữ liệu lớn, máy học, trí tuệ nhận tạo trong quản lý rủi ro; ứng dụng trí tuệ nhân tạo, máy học, internet vạn vật trong soi chiếu hàng hóa; ứng dụng công nghệ chuỗi khối và dữ liệu để tăng cường sự tin cậy và chất lượng dữ liệu; Ứng dụng công nghệ để giải quyết các thách thức của thương mại toàn cầu, như: Trao đổi thông tin qua cơ chế một cửa; Phát triển thương mại điện tử an toàn và bền vững; Đảm bảo an ninh, an toàn và tính liên tục của hệ thống hải quan có khả năng ứng phó với sự cố, thảm họa; Tác động của công nghệ đến môi trường làm việc của hải quan; Hợp tác nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ để giải quyết các thách thức của cơ quan hải quan và thương mại quốc tế.
Các phiên chuyên đề sẽ thảo luận về các chủ đề: Đào tạo: Tối đa hóa đào tạo số trong hải quan; Giải quyết các thách thức về đào tạo trong lĩnh vực hải quan; Học liên kết; Phát triển bền vững: Hải quan xanh; Bình đẳng giới thông qua công nghệ và đổi mới; Công nghệ hỗ trợ liêm chính; Kiểm soát hải quan: sử dụng các thiết bị an ninh thông minh và công nghệ không xâm nhập (NII); thiết bị bay không người lái và Robot; Tối ưu hóa hiệu quả sử dụng Mô hình Dữ liệu WCO.
Đối với Hải quan Việt Nam, việc đăng cai tổ chức sự kiện khẳng định vai trò tích cực và trách nhiệm của Hải quan Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác với WCO. Hội nghị cũng là cơ hội để Hải quan Việt Nam tăng cường hợp tác với cơ quan hải quan các nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ. Những kiến thức, kinh nghiệm, ý tưởng, giải pháp từ hội nghị sẽ giúp Hải quan Việt Nam có hướng đi phù hợp trong tiến trình hiện đại hóa hải quan hướng đến hải quan số, hải quan thông minh, hải quan xanh.
Đối với Doanh nghiệp Việt Nam: Hội nghị là dịp để các doanh nghiệp hiểu thêm về hoạt động hải quan, nắm bắt xu hướng, giải pháp công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực hải quan và thương mại quốc tế. Qua đó, doanh nghiệp tích cực tham gia hợp tác, đồng hành cùng cơ quan hải quan trong tiến trình hiện đại hóa hải quan và tạo thuận lợi thương mại. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể mở rộng mạng lưới kết nối với các công ty cung cấp giải pháp công nghệ trong lĩnh vực hải quan và thương mại quốc tế, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế trên toàn cầu.
Ở khu vực triển lãm, Hải quan Việt Nam sẽ bố trí không gian triển lãm giới thiệu về lịch sử phát triển, tiến trình hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ của Hải quan Việt Nam, các thành tựu đạt được trong công tác cải cách, hiện đại hóa hải quan.
Diệu Anh (Ảnh: Hải quan online)